Tăng cường kỹ năng giải quyết tình huống cho giáo viên mầm non

Trong 2 ngày (19-20/8), tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) tổ chức tập huấn chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý mầm non với các chuyên đề như hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non; tập huấn kỹ năng xử lý tình huống cho GVMN trong chăm sóc giáo dục trẻ; tập huấn E-learning cho đội ngũ giáo viên mầm non.

Bài toán giảm áp lực cho giáo viên

Trao đổi tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) cho biết, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ và thẩm mỹ của trẻ để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

Đây là lứa tuổi đang hình thành nền tảng đầu tiên của nhân cách, vì vậy khi chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên mầm non cần phải am hiểu sâu sắc về đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non, biết tận dụng tình huống, coi tình huống sư phạm là nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục trẻ.

Hiện nay, bên cạnh những giáo viên có kinh nghiệm giải quyết các tình huống sư phạm một cách phù hợp và hiệu quả thì vẫn còn những giáo viên lúng túng trong cách ứng xử, thiếu kỹ năng giải quyết tình huống phù hợp hoặc lạm dụng uy quyền để trấn áp trẻ, dẫn đến những phản ứng ngược từ phía trẻ, gia đình và xã hội.

Nhận định kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của giáo viên là một trong những nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc giáo dục các cháu, ông Nguyễn Bá Minh cho hay, muốn giảm áp lực cho giáo viên, Bộ GDĐT đã và đang phối hợp với Bộ Nội vụ, các địa phương từng bước hỗ trợ bố trí đủ giáo viên theo quy định. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho giáo viên trong chăm sóc giáo dục trẻ cũng là một cách nhằm giảm áp lực cho giáo viên.

“Trong mọi tình huống, nếu giáo viên có nghiệp vụ tốt thì sẽ không tạo áp lực trong công việc nhưng nếu giáo viên không có kỹ năng giải quyết tình huống sẽ tạo nên những áp lực rất lớn đối với giáo viên và đối với trẻ – đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non chia sẻ.

Ông Minh cũng cho biết, hiện nay do khó có thể tổ chức tập huấn đến từng giáo viên cho nên chủ trương của Bộ GDĐT là tài liệu hóa những hướng dẫn của Bộ, đẩy mạnh cung cấp dữ liệu trên mạng, E-learning cho giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng.

Ông Minh cũng nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, bởi nếu không có sự phối hợp tốt giữa cha mẹ trẻ và nhà trường, không có sự thống nhất về nội dung, phương pháp và mục tiêu giáo dục thì rất khó nâng cao chất lượng chăm sóc các cháu.

Tập huấn giáo viên ở tất cả các loại hình

Chia sẻ về việc quản lý, tập huấn giáo viên mầm non, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non thông tin, việc tập huấn tăng cường năng lực cho giáo viên mầm non được triển khai ở tất cả các loại hình, từ các trường công lập, ngoài công lập cho đến các cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục.

Bộ GDĐT cũng có những chương trình hỗ trợ riêng cho đội ngũ giáo viên, quản lý trường tư thục như đề án 404 của Thủ tướng về hỗ trợ, phát triển nhóm lớp độc lập, tư chục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020.

Phòng GDĐT phải có trách nhiệm triển khai các khóa tập huấn ở địa phương, mời đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục mầm non công lập, ngoài công lập và nhóm lớp độc lập tham dự các khóa tập huấn về hướng dẫn giáo viên xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

“Cách tốt nhất để giảm áp lực, sai sót là nâng cao năng lực của giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô có chế độ làm việc ổn định, thoải mái” – Ông Minh nói.

Trả lời về công tác giám sát việc tăng cường kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh khẳng định, trách nhiệm của Bộ GDĐT là ban hành các quy định và hướng dẫn, đốc thúc địa phương tiếp cận với những văn bản này, trách nhiệm của địa phương là kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện đúng quy định.

Nếu cơ sở hay cá nhân thực hiện không đúng thì người quản lý nhà nước trực tiếp (đối với trường mầm non là Chủ tịch UBND quận/huyện, đối với cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục là Chủ tịch phường/xã) phải chịu trách nhiệm.

Nguồn bài viết: https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-mam-non/Pages/Default.aspx?ItemID=6191

Leave a comment

You must be logged in to post a comment.